English

Cơ sở hạ tầng Việt Nam

  • Việt Nam trước hết phải phát triển cơ sở hạ tầng

    Một quan chức cấp cao của Siemens khẳng định Việt Nam trước hết phải phát triển cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ logistics thì mới đẩy mạnh được các ngành sản xuất khác, trong đó có sản xuất thép. Ông Werner Auer, Tổng giám đốc Bộ phận Công nghệ Thép và Khai khoáng của Siemens (Siemens VAI) nêu ý kiến như trên tại phiên họp chiều 22/5 trong khuôn khổ hội nghị báo chí lần thứ 6 của Siemens về công nghệ thép, tổ chức ở thành phố Mexico City. Theo ông Auer, nhiều nước đang phát triển vấp phải khó khăn về hạ tầng giao thông, cảng biển, nhưng lại không coi đây là ưu tiên cần giải quyết trước, trong khi vấn đề này là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. "Nhà đầu tư nào cũng luôn thường trực câu hỏi: Sản xuất rồi thì vận chuyển thế nào, xuất khẩu qua cảng nào," ông nói. "Khi có hạ tầng giao thông tốt thì các nhà máy đương nhiên sẽ mọc lên." Ông đưa ra dẫn chứng về chiến lược rõ ràng của Trung Quốc khi tập trung xây dựng mạng lưới giao thông từ bắc xuống nam và sau đó là từ phía đông sang phía tây. Trong khi đó, theo ông, Ấn Độ có những lợi thế tương tự Trung Quốc nhưng không phát triển nhanh vì hạ tầng kém. Tổng giám đốc Siemens VAI chỉ ra những thách thức cho các nhà sản xuất thép trong thời gian tới là đòi hỏi tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất, thích nghi sản xuất với yêu cầu mới của thị trường, giảm chi phí, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên... Vì thế, một chiến lược theo suốt vòng đời của các thiết bị và quy trình sản xuất là yếu tố then chốt để vượt lên trong cuộc cạnh tranh. "Hơn bao giờ hết mỗi một nhà máy thép đều cần có một chiến lược cải tiến công nghệ mang tính bền vững để có thể đạt được hiệu quả sản xuất và đầu tư. Họ cần có đối tác mạnh như Siemens để duy trì hoạt động của các nhà máy trong vòng 40 năm và lâu hơn nữa,” ông Werner Auer nói. Siemens nổi tiếng về công nghệ sản xuất thép hiện đại nhưng vị CEO này cũng thẳng thắn cho rằng các nhà sản xuất thép ở các nước đang phát triển không nhất thiết phải đầu tư nhà máy mới mà chỉ cần nâng cấp hệ thống máy móc hiện tại. "Đầu tư nhà máy thép mới nghĩa là nói tới số tiền hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu USD. Nhưng nếu các nhà sản xuất thấy rằng chỉ cần nâng cấp là có thể tăng năng suất thì họ nên theo cách làm này." Tuy trọng tâm hiện tại của Siemens VAI là các nước BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc), đặc biệt là hai quốc gia đông dân nhất thế giới, song Tổng giám đốc Werner Auer khẳng định Việt Nam là một thị trường tiềm năng mà công ty cần tính đến trong tương lai. Ông cũng nhấn mạnh việc Siemens áp dụng tiêu chuẩn chung toàn cầu về bảo vệ môi trường cho các dự án của mình, đồng thời đánh giá cao việc chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, nơi Siemens đang theo đuổi một dự án lớn, đề ra những quy định rất nghiêm ngặt về vấn đề này./.  
Copyright © 2011 PROXCAD. All rights reserved.